Vay vốn ngân hàng, thật sự khó hay dễ?
Số doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn ngân hàng hiện nay chỉ chiếm trên 30%. Hơn 48% doanh nghiệp hiện nay trong diện được ngân hàng xem xét, tức là có vướng mắc với ngân hàng về nợ xấu và số còn lại là gần như rất khó để xem xét và hoạt động trong diện cầm chừng vì thiếu vốn quay vòng. Đây là số liệu mà ông Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp cho chúng tôi.
Ông Long cho biết các doanh nghiệp chịu tác động của khủng hoảng từ năm 2008 và vướng mắc nợ xấu dồn tích nên rất khó tiếp cận vốn. Trong khi phía ngân hàng, yêu cầu quản trị rủi ro ngày càng được nâng cao, họ thận trọng và chỉ đào bới dư địa cho vay tầm 30% doanh nghiệp.
Ông Võ Minh Khải, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc CTCP Thương mại và sản xuất Viễn Phú chia sẻ, bấy lâu nay doanh nghiệp vay vốn cực kỳ khó khăn bởi giữa chính sách và thực tế là khoảng cách vô cùng lớn.
Trước đây ông chủ yếu đầu tư phát triển kinh doanh các loại phân bón hữu cơ vi sinh. Trong các lần tham dự hội thảo ở nước ngoài ông đã được giới thiệu về mô hình trồng lúa hữu cơ siêu sạch ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ đó ông và các đồng nghiệp ấp ủ mơ ước xây dựng những cánh đồng lúa hữu cơ, rau hữu cơ và thủy sản hữu cơ,… tại Việt Nam.
Qua nhiều lần tìm kiếm, khảo sát thực địa, ông đã chọn vùng đất thuộc huyện U Minh, Cà Mau để trồng các thực phẩm hữu cơ theo chuẩn toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng canh tác và thương mại, doanh nghiệp ông rất cần vay vốn từ ngân hàng.
Nông nghiệp là một trong năm lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Nghị định 55 của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp tăng giá trị vay tín chấp; có quy định riêng về tín dụng đối với chuỗi liên kết sản xuất hoặc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đặc biệt, có chính sách miễn giảm vốn vay, tăng thời gian trả nợ… cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Khải cho biết, ông đã mời nhiều ngân hàng về tận nơi xem cơ sở sản xuất nhưng ngân hàng từ chối với đủ lý do. “Họ yêu cầu phải có bất động sản ở TP.HCM. Nếu có thì chúng tôi cần vay làm gì?”, ông Khải nói.
Dong duổi hành trình vay vốn bao lần không thành, ông Khải chia sẻ với chúng tôi rằng, ban hành nhiều chính sách nhưng nhà quản lý và các bên thực hiện cần làm thế nào để chính sách hay các chương trình đi vào thực tiễn, áp dụng được, giúp đỡ doanh nghiệp được mới là điều quan trọng.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cũng cho biết công ty ông hiện đang thuê 775 ha đất của Nhà nước để nuôi thủy sản, giá trị đầu tư vào các ao nuôi này là rất lớn. Tuy nhiên, tài sản trên đất thuê không thể thế chấp được nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng bị hạn chế, doanh nghiệp không thể phát triển được.
Trong khi đó, dạo qua nhiều ngân hàng, có đến hàng loạt chương trình, nhiều gói tín dụng ưu đãi, cạnh tranh chào mời lãi suất hấp dẫn cho thấy nguồn cung về vốn dồi dào, các ngân hàng dư thừa thanh khoản.
Tại sao doanh nghiệp và ngân hàng không “gặp nhau”?
Có ý kiến cho rằng các chương trình bung ra của ngân hàng chỉ là chiêu thức quảng cáo, chiến dịch truyền thông cho ngân hàng nhưng thực chất lượng vốn cho các doanh nghiệp và cá nhân vay không hề nhiều.
Đem câu hỏi này trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank, ông cho biết ngân hàng luôn cần khách hàng và phải đi tìm khách hàng để cho vay. Tuy nhiên có một số doanh nghiệp và ngân hàng không “gặp nhau” được vì những lý do chủ yếu như sau. Thứ nhất, các doanh nghiệp đã hết hạn mức vốn có thể vay cho một dự án hoặc nhu cầu sản xuất kinh doanh mà đã có dư nợ vay các ngân hàng khác nhau.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp không chứng minh được dòng tiền có thể phục vụ thanh khoản, nguồn tài chính để trả nợ trong tương lai vì dòng tiền quan trọng hơn tài sản bảo đảm (thế chấp) vì thế chấp chỉ là biện pháp cuối cùng.
Một nguyên nhân nữa theo ông Lê Đào Nguyên, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) khiến các ngân hàng thận trọng cho vay vì các doanh nghiệp còn kinh doanh thiếu minh bạch. Ngân hàng cho rằng các doanh nghiệp hiện nay không có hồ sơ sổ sách tài chính đầy đủ hoặc có hồ sơ nhưng phương án đưa ra một đằng, triển khai lại một nẻo, dẫn đến mất lòng tin của ngân hàng.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho rằng, vấn đề này nếu giải quyết chỉ có NHTM và doanh nghiệp mới là điểm cần chứ chưa đủ mà cần có sự tham gia của địa phương. Các Sở, ngành địa phương cần mở nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp.
Cho vay tín chấp cả ngân hàng và doanh nghiệp đều muốn nhưng theo ông Đông, tính quản trị minh bạch ở các doanh nghiệp vẫn còn yếu và thiếu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hoạt động chân thực, bài bảng và minh bạch, bền vững chứ không phải “ăn xổi ở thì”,… Đồng thời, các ngân hàng cũng cần lắng nghe thấu hiểu doanh nghiệp và nâng cao quản trị rủi ro.
Leave a Reply