Tiếp thêm động lực xử lý nợ xấu
Tạo điều kiện thuận lợi
Bộ Tài chính đang soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế, trong đó bổ sung quy định trong Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) theo hướng DN sẽ được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo kỳ vọng của Bộ Tài chính, quy định này sẽ góp phần tích cực trong việc xử lý nợ xấu, đảm bảo hoạt động thông suốt, lành mạnh của hệ thống NH và nền kinh tế.
Đây là quy định mới tại Việt Nam. Trước đó, Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH12 (áp dụng từ 1/1/2014) đã cho phép DN được bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng chưa quy định trường hợp ngược lại (bù trừ một chiều). Điều này dẫn đến một bất cập là DN không có tiền để trả nợ NH, chỉ có tài sản bảo đảm tiền vay là BĐS phải bán đi để trả nợ, nếu có lãi là phải nộp thuế ngay, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn đang bị lỗ.
Thậm chí rất nhiều trường hợp DN nộp thuế xong thì số tiền còn lại không đủ để trả NH. Việc không cho phép bù trừ này cũng làm cho công tác hạch toán, kế toán của DN phức tạp, DN phải mở sổ sách theo dõi riêng các hoạt động từ kinh doanh BĐS nên đã gây ra một số thủ tục phức tạp cho các DN có hoạt động này.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, khi DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ không còn vướng mắc về thứ tự ưu tiên thanh toán khi bán tài sản bảo đảm tiền vay, vì việc bù trừ lãi lỗ là thực hiện trên sổ sách của DN, còn khoản tiền có được do bán tài sản bảo đảm vẫn dùng để trả nợ NH.
Đồng thời, nếu sau khi bù trừ mà còn thu nhập thì DN có tài sản bảo đảm sẽ kê khai, nộp thuế thu nhập DN cùng với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (tạm nộp theo quý, quyết toán theo năm), không phải nộp ngay trong vòng 10 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế như hiện hành.
Song chưa đủ mạnh?
Đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng quy định này sẽ có tác động tích cực tới việc xử lý nợ xấu của các DN sản xuất kinh doanh có tài sản bảo đảm là BĐS. Ông Ánh phân tích, thông thường với các DN hoạt động đa ngành nghề, có tài sản bảo đảm là BĐS, thì các khoản nợ quá hạn của DN phần lớn là do sản xuất kinh doanh trì trệ gây ra, đặc biệt là nợ lãi.
Tuy nhiên một trong những điều cản trở DN bán bớt tài sản đó để trả nợ, là do khi bán có lãi thì sẽ phải lập tức thực hiện nghĩa vụ thuế. Nhiều trường hợp DN thấy quy định không được bù trừ lãi là không thoả đáng, do đó họ không vội bán bớt BĐS để xử lý nợ vì bản thân họ chưa thấy có lợi. Còn với quy định mới này, DN có thêm động lực bán BĐS, qua đó chuyển lãi từ chuyển nhượng BĐS sang để thanh toán nợ quá hạn do sản xuất kinh doanh cho NH.
Bên cạnh đó, nhờ giảm bớt lỗ, DN có thể chuyển sang hoạt động phi BĐS có lãi, từng bước cơ cấu lại sản xuất kinh doanh để tập trung vào những mảng hoạt động thế mạnh, từ đó tạo điều kiện để họ tự xử lý phần nợ quá hạn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB Pháp chế NH nhìn nhận, giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra đáng nhẽ phải được thực hiện từ lâu. Ông Đức cho rằng một DN kinh doanh đa ngành nghề đương nhiên phải được thực hiện bù trừ lỗ lãi trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Do đó, quy định mới của Bộ Tài chính là hợp lý, song có phần hơi muộn.
“Nếu nói quy định này nhằm vào lợi ích của NH thì cũng không hẳn, giải thích như vậy là chưa thoả đáng”, ông Đức bình luận. Theo ông, quy định này chưa đủ mạnh để tạo điều kiện ưu tiên xử lý nợ xấu của hệ thống NH. Để giải quyết nợ xấu, việc bán tài sản thế chấp phải được ưu tiên thực hiện bằng các ưu đãi thuế mạnh tay hơn.
Chẳng hạn, “phải tính đến thuế giá trị gia tăng, nếu bán tài sản bảo đảm là BĐS mà có lãi thì mới phải nộp, còn nếu đã dưới giá trị sổ sách thì phải chấp nhận miễn thuế đó đi, khi đó DN và NH mới mạnh dạn bán tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu”, ông Đức quả quyết.
Bộ Tài chính đánh giá, thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng BĐS năm 2014 ước đạt 10.333 tỷ đồng. Tỷ lệ DN có lãi trước thuế năm 2014 khoảng 33,6%, DN lỗ chiếm khoảng 66,4%. Nếu giả định trong số DN đang lỗ có khoảng 30% DN nộp thuế chuyển nhượng BĐS và lãi từ hoạt động BĐS nhỏ hơn số lỗ hiện có của DN (về số tuyệt đối), thì việc thực hiện quy định được bù trừ lãi sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.
Leave a Reply